Hạnh phúc là của riêng mình, ngưỡng mộ người khác chi bằng mình cố gắng hơn

Tại sao chúng ta lại ngưỡng mộ người khác, rồi lại than thân trách phận mà quên rằng chính mình có thể tìm kiếm hạnh phúc?

Nguyên nhân khiến con người không cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc là vì họ luôn cố gắng trở thành người khác thay vì sống với chính mình.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Heo nói rằng nếu có thêm một kiếp sống, tôi muốn làm một con bò, dù công việc có vất vả nhưng được mọi người yêu quý. Bò thì ước nếu có cơ hội sống lại, tôi muốn làm con heo, chỉ cần ăn và ngủ, không tốn sức, cuộc sống thật thoải mái. Chim ưng nói rằng nếu được sống lần nữa, tôi sẽ chọn làm gà, lúc khát có nước, lúc đói có gạo, có chuồng để ở và người bảo vệ. Gà thì mong được làm chim ưng, tha hồ bay lượn trên bầu trời xanh, tự do làm điều mình thích.
Điều ước của những con vật trong câu chuyện ngụ ngôn cũng phản ánh suy nghĩ của chúng ta. Rất ít người muốn sống thật với chính mình, thay vào đó, họ lại luôn ngưỡng mộ những gì thuộc về người khác, công việc của họ, con cái xuất sắc hay chiếc xe mới của ai đó. Hôm nay thấy Trương Tam mua nhà mới, tức thì cảm thấy chồng mình vô dụng. Ngày mai thấy gia đình Lý Tứ hạnh phúc, lại đổ lỗi cho bản thân đã gặp phải người không ra gì. Chúng ta dường như quên đi rằng mình cũng có thể là người mà người khác đang ngưỡng mộ.
Người khác có thể ngưỡng mộ bạn là người tài hoa, ngưỡng mộ cuộc sống thanh nhàn của bạn, hoặc con cái ngoan hiền của bạn, chỉ là bạn không biết mà thôi. Trái lại, bạn cũng không biết người mà bạn hâm mộ có thể đang phải chịu đựng nhiều áp lực, ăn không ngon ngủ không yên, hoặc đang có những đau buồn mà họ không thể thổ lộ.

Ai thực sự có thể nhìn thấy phía sau ánh hào quang của người khác?

Vài ngày trước, một người bạn học cũ gọi điện cho tôi và kể về một người bạn khác gặp cơ duyên tốt: Nào là người bạn đó sau khi tốt nghiệp đại học, được kết hôn với mối tình đầu, từ trước hay sau kết hôn đều là người khiến mọi người hâm mộ; nào là chồng bạn ấy không những có sự nghiệp thành công, còn biết quan tâm, lại giúp vợ làm việc nhà, hơn nữa còn vui đùa với con… Nào ngờ, sau khi kết hôn được 20 năm, người chồng đó lại còn có con riêng nữa, giờ đây họ đang làm thủ tục ly hôn… Thật là không thể ngờ rằng câu chuyện lại kết thúc như thế!
Chúng ta từ bên ngoài nhìn người khác, bởi vì chỉ có thể thấy được bề ngoài nên xem ra cứ tưởng rằng người khác là tốt hơn mình. Và người khác cũng chỉ thấy bề ngoài của bạn, họ không biết nội tâm bạn có gì, vì thế đôi khi bạn chỉ là gượng cười cho vui thì họ cũng không hề hay biết.
Trước đây, tôi thường ngưỡng mộ các đồng nghiệp thường xuyên đi nước ngoài công tác, tưởng tượng họ không cần dùng tiền túi mà vẫn có thể đi đây đi đó. Sau này đến lượt chính bản thân mình trải nghiệm, tôi mới vỡ lẽ rằng sự tình cũng không hẳn là thế: ngồi máy bay đường dài không những ăn chẳng ngon, ngủ chẳng được, miệng đắng, lưỡi khô rát, còn đau lưng mỏi gối nữa, ngần đó đã đủ mệt rồi, vậy mà khi về lại phải viết báo cáo báo cầy nữa, thật vô cùng mệt mỏi.
Cho nên, đừng chỉ nhìn bên ngoài của sự việc; con người có vẻ như ai cũng đều muốn giữ thể diện, thậm chí chỉ muốn khoe cái tốt của mình còn xấu xa thì đậy điệm lại… vì thế, hỏi mấy ai thực sự nhìn thấy những sự cố gì đang xảy ra ở đằng sau ánh hào quang của người khác?!

Họ có phiền não của họ, bạn có hạnh phúc của mình

Hạnh phúc giống như việc con người uống nước, dù nóng hay lạnh chỉ có chính mình hiểu. Bạn không phải là tôi, thì làm sao cảm nhận được những đoạn đường mà tôi đã đi qua, bên trong tôi là niềm vui hay nỗi buồn?
Bạn thấy thành tích học tập xuất sắc của bạn bè và sinh ra tâm trạng ngưỡng mộ, nhưng liệu bạn có biết họ đã phải nỗ lực như thế nào mỗi ngày, suy nghĩ căng thẳng ra sao và làm việc miệt mài không ngừng nghỉ? Bạn ngưỡng mộ những ngôi sao hoặc diễn viên nổi tiếng với vóc dáng xinh đẹp, nhưng liệu bạn có biết rằng họ luôn kiểm soát từng cm, ăn kiêng để giữ dáng, có khi mỗi ngày chỉ dùng bữa một lần không?
Bạn hâm mộ người nào đó đạt được nhiều thành công, nhưng liệu bạn có hiểu rằng họ có thể đang gánh chịu nhiều trách nhiệm và rủi ro gấp đôi so với người bình thường?
Bạn thán phục ai đó có thể tự do du lịch khắp nơi mà không bị ràng buộc, nhưng điều đó cũng cho thấy rằng người ấy phải lo lắng về sự nghiệp không ổn định, hoặc túi tiền có thể mỏng đi vì chi phí di chuyển, có phải vậy không?
Mỗi câu chuyện trên đều có hai mặt của vấn đề, giống như đồng xu hay huy chương có mặt trước và mặt sau. Khi chúng ta ngưỡng mộ người khác, chúng ta cũng không thấy những nỗi đau và lo lắng mà họ đang giấu kín.
Cuộc sống này không ai hoàn hảo cả, vì vậy không cần phải ngưỡng mộ người khác. Chỉ cần nhận thức rằng người ta cũng có nỗi niềm riêng, còn bạn có hạnh phúc của riêng bạn. Hạnh phúc của người khác không ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn. Nếu bạn biết rõ mình cần gì, bạn sẽ không cảm thấy cần phải ngưỡng mộ hạnh phúc của người khác; còn nếu bạn không biết mình cần gì, thì dù có hạnh phúc cũng sẽ luôn cảm thấy chưa đủ.
Bạn thử nghĩ xem, nếu như Trương Tam chỉ ngưỡng mộ sự nghiệp của Lý Tứ, trong khi Lý Tứ lại chỉ thèm khát gia đình của Trương Tam, thì làm sao họ có thể tìm thấy hạnh phúc và niềm vui?

Làm sao để vượt qua sự đố kỵ và ngưỡng mộ?

Thứ nhất, hãy biến những điều mình đang ngưỡng mộ thành hình mẫu để khích lệ chính mình. Đối với những người ưu tú, hãy thưởng thức họ theo cách cải biến sửa đổi thái độ, tâm thái của bản thân mình. Có người tốt hơn mình thì khen ngợi tán thưởng họ, khẳng định họ, bạn không cần phải thi thố so đo với người đó, nhưng ít nhất giữa bạn cùng họ có mối quan hệ tốt, thì có thể học hỏi được từ họ, không phải vậy sao?
hạnh phúc
Thứ hai, hãy thử hỏi người ta rằng: “Bạn hạnh phúc không?” Trong thế giới này chẳng có gì là thập toàn vẹn mỹ, một vài người mà chúng ta gọi là ngưỡng mộ kia, họ đồng thời cũng đang chịu đựng những thứ không như ý, đúng như cái gọi là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhà nào mà chẳng có cái khó riêng của mình cần phải vượt qua, phải trải nghiệm.
Thứ ba, hãy tự hỏi “Tại sao mình lại cảm thấy ghen tị hay đố kỵ với họ?” Dù bạn đang ghen tị với ai, chỉ cần nhận ra rằng bản thân không bằng được người khác, thì việc để tâm vào sự đố kỵ đó có ích gì?
Cuối cùng, hãy tự vấn “Tại sao lại ngưỡng mộ họ?” Mối quan hệ giữa người với người thường là sự ngưỡng mộ lẫn nhau. Giá của việc ngưỡng mộ ai đó là chúng ta có thể quên đi hoặc đánh mất chính bản thân mình. Tại sao không nỗ lực để trở thành người mà người khác ngưỡng mộ?
Do đó, thay vì ngưỡng mộ người khác, hãy tập trung vào việc hoàn thiện bản thân mình.
5/5 - (1 bình chọn)