Có những phong tục cầu phúc cho trẻ em trên thế giới sẽ khiến bạn phải mặt tròn mắt dẹt vì ngạc nhiên, thậm chí còn “nổi da gà” vì sự nguy hiểm của những phong tục ấy.
Trẻ em được ví như những búp trên cành, vì vậy ngay từ khi mới chào đời, chúng đã nhận được sự yêu thương và chăm sóc tận tình. Tuy nhiên, trong một thế giới đa dạng, nhiều phong tục kỳ lạ tồn tại cho trẻ nhỏ vẫn tiếp tục đến ngày nay.
Nhiều nghi lễ có thể mang lại nguy hiểm nhưng do niềm tin vào tâm linh và tôn giáo, nhiều bậc phụ huynh vẫn quyết định để con mình tham gia, với hy vọng rằng như vậy con cái sẽ khỏe mạnh và được thần linh che chở.
Những phong tục cầu phúc cho trẻ em khiến bạn phải “nổi da gà”
Để trẻ em ngủ ngoài trời với nhiệt độ dưới 0 độ C ở Thụy Điển
Tại đất nước Thụy Điển xinh đẹp, một thói quen đáng chú ý của các bậc phụ huynh là để trẻ sơ sinh ngủ ngoài trời, thậm chí khi nhiệt độ có thể giảm xuống dưới 0 độ C. Trong khi nhiều người có thể cho rằng điều này là không an toàn và tiềm tàng nguy cơ cho sức khỏe của trẻ nhỏ, thì người dân Thụy Điển lại hoàn toàn tin tưởng rằng việc này mang lại lợi ích tích cực cho sự phát triển của trẻ.
Các bậc cha mẹ ở đây tin rằng việc cho trẻ em tiếp xúc với cái lạnh sẽ giúp chúng trở nên dẻo dai và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Họ cũng cho rằng việc này thúc đẩy giấc ngủ của trẻ, giúp chúng ngủ ngon hơn và lâu hơn. Điều này phần nào đã tạo nên một niềm tin vững chắc trong cộng đồng về việc chăm sóc sức khỏe cho những đứa trẻ nhỏ.
Ngoài cha mẹ, các trung tâm giáo dục và chăm sóc trẻ em cũng thực hiện việc tương tự. Một trường mẫu giáo mang tên Forskolan Orren nằm ở ngoại ô Stockholm thường xuyên để những đứa trẻ dưới 3 tuổi ngủ bên ngoài trong thời gian nghỉ trưa, lý do được nêu ra là vì chúng ít bị ho và cảm lạnh hơn khi tính toán với thời tiết tự nhiên.
Không để trẻ chạm đất trong 3 tháng tại Indonesia
Tại thủ đô Bali (Indonesia), các phụ huynh không để những đứa trẻ chạm mặt đất trong 3 tháng, coi đây là một nghi lễ vô cùng linh thiêng.
Nguyên nhân là trong những tháng đầu đời của trẻ, việc kết nối của trẻ với “linh hồn” vẫn còn nguyên vẹn và để đứa trẻ chạm đất sẽ làm bé bị ô uế.
Trong 3 tháng đó, đứa trẻ sẽ liên tục được người lớn chuyền tay từ những người thân cận nhất đến họ hàng, làng xóm. Tất cả mọi người trong làng sẽ giúp đỡ gia đình đảm bảo rằng chân đứa trẻ không chạm xuống đất. Sau 105 ngày, một buổi lễ đặc biệt có tên gọi là Nyabutan sẽ được tổ chức tại nơi mà đứa trẻ chạm tới đất mẹ lần đầu tiên.
Cho trẻ tự dự đoán tương lai tại Armenia
Tại Armenia, nghi lễ “Agra Hadig” cho phép trẻ em dự đoán nghề nghiệp tương lai của mình. Nghi thức này được tổ chức khi chiếc răng đầu tiên của trẻ mọc lên. Theo phong tục, trẻ sẽ được đặt trên một chiếc bàn và xung quanh sẽ có nhiều đồ vật khác nhau như sách, dao, kéo,… Người ta tin rằng vật dụng đầu tiên mà trẻ chạm vào sẽ quyết định sự nghiệp tương lai của chúng.
Chẳng hạn, nếu trẻ chọn sách, có khả năng sau này chúng sẽ làm giáo viên hoặc mục sư; nếu chạm vào tiền, chúng có thể trở thành nhân viên ngân hàng hoặc kế toán…
Có một điểm đặc biệt trong lễ Agra Hadig là nếu diễn ra vào buổi chiều, chỉ phụ nữ được tham gia và họ chỉ được ăn đồ ngọt. Ngược lại, nếu diễn ra vào buổi tối, chỉ có đàn ông tham gia và họ có thể thưởng thức đủ các loại thực phẩm.
Bắt ép trẻ tới khóc Nhật Bản
Đây là một cuộc thi được tổ chức vào tháng 4 tại đền Sonsoji (Tokyo, Nhật Bản) với tên gọi Nakizumo,với mục đích bắt ép trẻ cất tiếng khóc. Các bậc phụ huynh cho con tham gia cuộc thi này tin rằng việc ép trẻ tới khóc sẽ khiến chúng khỏe mạnh và xua đuổi tà ma. Trong cuộc thi, các em bé được trao cho 2 đô vật sumo. Đô vật nào làm cho đứa trẻ khóc đầu tiên thì người đó sẽ thắng. Nếu 2 đứa trẻ khóc cùng lúc thì ai làm trẻ khóc to hơn sẽ thắng.
Một linh mục cũng xuất hiện trong cuộc thi với vai trò la hét và vẫy tay để tiếng khóc của những đứa trẻ bay lên thiên đàng. Những người theo nghi lễ tin rằng trẻ khóc càng to sẽ đón nhận được nhiều điều may mắn.
Tắm cho trẻ sơ sinh bằng sữa đun nóng tại Ấn Độ
Tắm cho trẻ sơ sinh bằng sữa nóng tại Ấn Độ được biết đến với cái tên Karaha Pujan, một nghi thức thường diễn ra ở các ngôi đền Hindu và thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Trong quá trình thực hiện, những người thầy tu Hindu sẽ tụng kinh để cầu xin may mắn và sức khỏe cho đứa trẻ.
Trong nghi lễ này, sữa sẽ được chuẩn bị bởi các phụ nữ, họ nấu sữa trong những chiếc nồi đất. Khi sữa bắt đầu sôi, cha của đứa trẻ sẽ bế con và nhẹ nhàng nhúng chân bé vào sữa, đồng thời tưới sữa nóng lên cơ thể của trẻ. Sau khi hoàn thành nghi thức tắm rửa cho bé, anh ta cũng sẽ tự dội sữa nóng lên người mình. Theo quan niệm của những người tham gia, truyền thống này sẽ làm hài lòng các vị thần và ban phước lành cho đứa trẻ. Tuy nhiên, do những nguy hiểm tiểm ẩn từ nghi lễ cũng như nỗi đau mà đứa trẻ có thể phải trải qua, chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm hành động này nhằm bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cho trẻ em.
Ném trẻ từ trên mái đền tại Ấn Độ
Đây là phong tục bắt đầu từ 500 năm trước và tiếp tục cho tới ngày nay, bằng việc ném đứa trẻ từ trên mái đền cao hơn 15 mét, với ý nghĩa mang lại điều may mắn và sức khỏe cho đứa trẻ. Dưới mái nhà có một tấm ga trải giường do một số người đàn ông nắm giữ. Đứa trẻ rơi xuống một cách an toàn trên tấm ga, sau đó ngay lập tức được truyền qua đám đông để đưa tới cho bố mẹ.
Mặc dù bị lên án nhưng nhiều người dân vẫn thực hiện bởi họ tin vào yếu tố tâm linh và cũng chứng nhận rằng nó an toàn bởi trong thực tế chưa có đứa trẻ nào bị thương kể từ khi phong tục này diễn ra.
Giữ lại dây rốn trẻ sơ sinh ở Nhật Bản
Trong nền văn hóa của Nhật Bản, dây rốn được xem là một vật phẩm vô cùng quý giá. Các bà mẹ thường gìn giữ nó trong những chiếc hộp xinh đẹp mang tên Kotobuki Bako.
Theo truyền thuyết, phong tục này đã xuất hiện từ thời xa xưa, khi một người phụ nữ muốn lưu giữ một món đồ đặc biệt như một kỷ niệm cho khoảnh khắc thiêng liêng của việc sinh nở. Bên trong hộp Kotobuki Bako có một con búp bê nhỏ được khoác lên mình bộ kimono, đại diện cho em bé mà người mẹ vừa sinh ra. Thông thường, dây rốn sẽ được đặt bên trong chiếc kimono của búp bê.
Tắm trẻ bằng nước lạnh ở Guatemala
Trong nền văn hóa của đất nước Guatemala, việc tắm cho trẻ em bằng nước lạnh được coi là một thói quen rất phổ biến, với niềm tin rằng nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của các bé. Người dân nơi đây không chỉ tin tưởng vào công dụng của nước lạnh trong việc làm mát cho cơ thể, mà họ còn nghĩ rằng, việc tắm bằng nước lạnh có thể giúp giảm thiểu các vấn đề như phát ban và cải thiện giấc ngủ cho trẻ. Điều này thể hiện sự chăm sóc đặc biệt mà họ dành cho sức khỏe của các em nhỏ.
Nhổ nước bọt lên trẻ em Bulgari
Đây là một trong những phong tục cầu phúc cho trẻ em kỳ lạ tại Bulgari. Người ta thường giả vờ nhổ nhổ nước bọt lên người đứa trẻ sau khi khen ngợi chúng.
Theo dân gian Bulgari, “Đôi mắt tội ác” sẽ bắt đi bất cứ ai, bất cứ thứ gì nhận được lời ca ngợi hay ngưỡng mộ của mọi người. Để con mắt này không bắt cóc trẻ con, các bà mẹ phải tìm cách khiến chúng không còn sức hấp dẫn. Cách đơn giản nhất chính là nhổ nước bọt lên đứa bé và nói những câu trù ẻo kì dị để thoát khỏi những lời nguyền mắt quỷ kinh hoàng.
Nhảy qua người những đứa trẻ tại Tây Ban Nha
Tại làng Castrillo de Murcia ở Tây Ban Nha, một số bậc cha mẹ cho phép một người đàn ông nhảy qua con mình bởi niềm tin rằng làm vậy sẽ giúp cho đứa trẻ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Truyền thống này đã được thực hiện từ năm 1621. Người đàn ông nhảy qua những đứa trẻ được gọi là El Colacho và anh ta tượng trưng cho ma quỷ. Bằng cách nhảy qua những đứa trẻ, El Colacho sẽ giúp các đứa trẻ xua tan tội ác. Những đứa trẻ tham gia nghi lễ được đặt trên một tấm thảm ở quảng trường trung tâm thị trấn. Các El Colacho, mặc trang phục màu vàng sau đó nhảy qua người những đứa trẻ. Điều đáng ngạc nhiên và may mắn là không có ai bị thương kể từ khi phong tục này diễn ra.