Ý nghĩa ngày giỗ trong phong tục truyền thống của người Việt

Trong nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, việc thực hiện cúng giỗ được xem là một phong tục đẹp. Tuy nhiên, nó không chỉ đơn giản là một nghi lễ mà còn là thời điểm để chúng ta tưởng nhớ và tri ân đến những người đã khuất…

Ý nghĩa của ngày giỗ ở Việt Nam

Ngày giỗ thường hay còn được gọi là “Cát Kỵ” – là ngày giỗ của người quá cố kể từ năm thứ ba trở đi. Ngày giỗ này của người quá cố sẽ được duy trì đến hết năm đời. Ngoài năm đời, người ta tin rằng vong linh người quá cố đã siêu thoát hay đã đi đầu thai trở lại nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa.

Nếu như giỗ Tiểu Tường và giỗ Đại Tường là lễ giỗ trong vòng tang, còn mang nặng những xót xa, tủi hận, bi ai thì ngày giỗ thường lại là ngày của con cháu nội ngoại sum họp tưởng nhớ người đã khuất. Đây là dịp để con cháu hai họ nội, ngoại tề tựu họp mặt đông đủ. Những dịp như thế cũng là dịp để mọi người trong gia đình, dòng họ gặp nhau thêm phần thăm viếng sức khỏe cộng đồng gia đình, dòng họ.

Phong tục tập quán truyền thống của người Việt Nam từ xưa đến nay luôn đặt nặng tầm quan trọng của ngày cúng giỗ Tổ Tiên. Ngày giỗ không chỉ đơn thuần là ngày tưởng niệm những người đã khuất mà còn mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với tổ tiên. Đây chính là một trong những nghi thức thiêng liêng nhất trong việc phụng thờ tổ tiên, nhắc nhở con cháu về bổn phận của mình đối với những người đã ra đi.

Mỗi dịp giỗ, con cháu trong gia đình phải ghi nhớ và có trách nhiệm thực hiện các nghi lễ để bày tỏ lòng thành kính, yêu thương dành cho người đã mất. Từ thời điểm khởi đầu cho đến khi kết thúc ngày giỗ, bàn thờ luôn được giữ gìn trang trọng, không gian xung quanh luôn tỏa hương thơm từ những nén nhang đang cháy, tạo nên không khí trang nghiêm, đầy xúc động. Điều này không chỉ là một truyền thống mà còn là cách để duy trì và phát huy văn hóa của người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ.

 

Theo truyền thống của người Việt Nam, việc cúng giỗ là điều rất tốt, nhưng nên được xem như là ngày tưởng niệm, ngày nhớ tưởng đến người đã khuất, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành.

Trong dịp lễ giỗ, khách đến nhà có thể mang theo các món lễ vật như vàng hương, trầu rượu, trà nến, và hoa quả để dâng cúng. Khi khách đã tới nơi, con cháu trong gia đình sẽ đón tiếp và đặt các đồ lễ lên bàn thờ trước khi tiến hành nghi lễ cúng giỗ. Khách cũng sẽ thực hiện nghi thức cúng bái trước bàn thờ bằng cách lạy bốn cái và vái ba vái. Gia chủ sẽ đứng lên đáp lễ lại. Sau khi hoàn tất nghi lễ trên bàn thờ, khách sẽ quay lại và vái để cảm ơn người đã đáp lễ.

Sau khi đã chuẩn bị bày biện cỗ bàn và thắp hương, gia chủ sẽ mặc áo chỉnh tề, bước vào khu vực chiếu trải phía trước bàn thờ để chuẩn bị cho lễ cúng. Gia chủ đứng thẳng, chắp hai tay lại và nâng cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đặt hai bàn tay vẫn chắp xuống chiếu, rồi cúi đầu xuống phía hai tay đang chắp (Thể thủ phục). Sau đó, gia chủ sẽ đứng thẳng trở lại và đồng thời gập chân phải lên chiếu để chuẩn bị đứng dậy, vẫn giữ hai bàn tay chắp lại, tì vào đầu gối bên phải, và đứng lên một cách trang trọng.

Sau khi gia chủ, con cháu, bạn bè thân hữu, khách khứa khấn lễ xong. Đợi hết ba tuần hương thì gia chủ lễ tạ, hóa văn khấn, hóa vàng, rồi xin lộc hạ lễ. Cuối cùng gia chủ bày bàn, bày mâm cỗ mời họ tộc, khách khứa ăn giỗ, cùng ôn lại những kỷ niệm về người đã khuất và thăm hỏi lẫn nhau.

Ngày cúng giỗ là ngày con cháu bày tỏ tấm lòng thương xót, tưởng nhớ và thể hiện đạo hiếu tới người đã khuất.
Trong nghi lễ thờ cúng thì có 3 giỗ quan trọng nhất là Giỗ đầu, giỗ hết và giỗ thường.

– Giỗ đầu: Là ngày giỗ đầu tiên cách ngày người đó mất đúng một năm, nằm trong kỳ tang chế. Thời gian một năm chưa đủ để làm vơi đi sự đau buồn, xót xa trong lòng người thân. Trong ngày này, những người chịu tang vẫn phải mặc đồ tang phục và tỏ rõ sự bi ai, sầu thảm.
– Giỗ hết: Là ngày giỗ sau 2 năm người mất, vẫn nằm trong kỳ tang chế. Thời gian 2 năm cũng vẫn chưa đủ để người thân vơi đi nỗi buồn nên giỗ này vẫn được tổ chức trang nghiêm và người chịu tang vẫn mặc tang phục.
– Giỗ thường: Sau 3 năm người mất, người ta tổ chức giỗ thường (hay còn gọi là giỗ lành). Trong ngày giỗ này, mọi người cũng đã nguôi ngoai sự buồn đau nên có thể mặc thường phục.
Theo nghi tiết thế gian thì ngày giỗ ai đó thường chỉ kéo dài tới hết năm đời vì lúc đó vong linh của người quá cố đã siêu thoát, đầu thai sang kiếp mới nên không làm lễ cúng giỗ nữa.
Cúng giỗ tùy theo hoàn cảnh và khả năng kinh tế nên không nhất thiết phải làm quá linh đình, nhà nghèo chỉ cần giữ đạo hiếu với Tổ tiên là được.

Theo truyền thống của người Việt Nam, việc cúng giỗ là điều rất tốt, nhưng nên được xem như là ngày tưởng niệm, ngày nhớ tưởng đến người đã khuất, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành.

Tổng kết

Chúng ta có thể thực hiện việc cúng giỗ tại gia đình hoặc tổ chức tại chùa với ý định tưởng nhớ đến ông bà, không cần phải tổ chức các lễ cầu siêu hay dâng sớ cũng như đốt vàng mã theo phong tục của văn hóa Trung Hoa. Bởi vì chúng ta tin rằng ông bà của mình đã hoặc là đang ở trong những cõi Tịnh thánh thiện, hoặc là đã được tái sinh làm người ngay từ khi họ nhắm mắt rời khỏi thế gian này.

Đánh giá bài viết